Whiskas imagery

Tìm kiếm

Nhập từ khóa để tìm kiếm thông tin hoặc sản phẩm

Vì sao mèo con cắn

Bất cứ ai nuôi mèo đều không tránh khỏi những vết cào cắn đến từ chính những chú mèo bé nhỏ của mình, đặc biệt là những chú mèo con thích gặm nhấm ngón tay, ngón chân của chủ.

Bất cứ ai nuôi mèo đều không tránh khỏi những vết cào cắn đến từ chính những chú mèo bé nhỏ của mình, đặc biệt là những chú mèo con thích gặm nhấm ngón tay, ngón chân của chủ. Mặc dù hành động này khi nhìn vào có thể thấy rất dễ cưng, nhưng bạn hãy coi chừng! Bởi chỉ cần một chút quá chớn, mèo sẽ để lại trên tay chân bạn những vết cào cắn đau đớn vô cùng. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải biết lý do gì khiến mèo thích cào cắn cũng như cách dạy mèo con không cắn để tránh những tình huống thể hiện tình cảm có phần hơi thái quá đó.

Hội chứng “mèo một”, hay mèo con bị tách đàn

Mặc dù không cố ý tổn thương bạn, nhưng những vết cào cắn của mèo con thường rất đau, nhất là với những chú mèo con bị tách khỏi đàn. Tại sao vậy? Đối với loài mèo, cào cắn cũng là một hành vi gây hấn trong lúc chơi đùa. Do đó, khi mèo con vui chơi theo đàn, chúng sẽ có cơ hội được trải nghiệm những nhát cắn từ mèo khác. Ngược lại, với mèo con bị tách khỏi đàn, là “mèo một” trong nhà, chúng sẽ không có được trải nghiệm trên, nên sẽ không ý thức được vết cào cắn của mình có thể gây đau đến mức nào.

Mèo con cắn cào do bản năng và do căng thẳng

Mèo vốn là những tay săn mồi thứ thiệt trong thế giới hoang dã, nên khi được nuôi trong nhà, bản năng sinh tồn của chúng vẫn ít nhiều được thể hiện qua hành vi cào cắn. Ngoài ra, cào cắn cũng là biểu hiện thường gặp khi mèo bị căng thẳng trước những thay đổi trong môi trường sống. Trên đây là những yếu tố quan trọng bạn cần cân nhắc để xác định cách dạy mèo con không cắn sao cho phù hợp với bé mèo của mình.

Các cách dạy mèo con không cắn, cào

Biết cách dạy mèo con không cắn không chỉ giúp bạn tránh được những trải nghiệm đau đớn khi chơi đùa cùng mèo, mà còn có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về bé mèo của mình. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn huấn luyện mèo con không cắn.

  1. Khuyến khích hành vi vui đùa của mèo bằng cách dùng đồ chơi, không dùng tay!

    Thay vì cho phép mèo con chơi đùa hung hăng với đôi bàn tay của bạn, hãy quẳng cho chúng vài con thú nhồi bông để mèo thỏa sức cào cắn.

  2. Hướng dẫn mèo sử dụng trụ cào móng

    Theo bản năng, mèo có thói quen cào móng để mài giũa bộ móng sắc nhọn như một vũ khí sinh tồn. Do đó, đầu tư một chiếc trụ cào móng cho mèo con thỏa sức cào cũng là cách hay để tránh những vết cào cắn thấu da thịt trên tay chân bạn.

  3. Phản ứng trước hành vi mèo con cắn cào bằng cách ngừng chơi và phớt lờ mèo

    Nguyên tắc quan trọng trong việc huấn luyện mèo không cắn là luôn thể hiện thái độ rõ ràng và nhất quán và tuyệt đối không để mèo mặc sức cào cắn bạn. Hãy dừng cuộc chơi, và phớt lờ mèo ngay từ nhát cào cắn đầu tiên. Dần dần, điều này sẽ giúp mèo con hiểu rằng cào cắn chủ là hành vi không mong muốn, và chúng sẽ dần từ bỏ hành vi này.

  4. Sử dụng giọng nói để điều hướng hành vi của mèo

    Sử dụng giọng nói để hiều hướng hành vi của mèo có thể là một giải pháp để ngăn mèo con cào cắn bạn. Hãy thử dùng những câu mệnh lệnh ngắn gọn với nhiều giọng điệu và cường độ âm khác nhau, và chờ xem kết quả.

  5. Lên lịch vui chơi hàng ngày với mèo

    Nếu bạn vẫn băn khoăn về cách dạy mèo con không cắn, hãy thử sắp xếp thời gian vui chơi hàng ngày với mèo để giúp chúng được kích thích cả về tinh thần lẫn thể chất, và giải phóng năng lượng. Cách này không chỉ ngăn mèo cào cắn mà còn giúp mèo phát triển khả năng nhận thức qua những trò chơi đơn giản.

  6. Dạy mèo không cào cắn tùy hứng bằng cách “lấy độc trị độc”

    Một cách khác nữa để dạy mèo không cắn vô tội vạ là khi bị mèo cào cắn, bạn hãy đáp trả mèo bằng hành động tương tự để cho mèo thấy rằng hậu quả của hành động cào cắn chủ không phải điều gì tốt đẹp. Dần dần chúng sẽ bỏ thói quen này.

  7. Theo dõi sức khỏe của mèo thường xuyên

    Đôi khi, mèo cào cắn chủ như một cách để thu hút sự chú ý của bạn do chúng có vấn đề sức khỏe hoặc đang bị khó chịu. Vì vậy, ngoài việc tìm cách dạy mèo con không cắn, bạn cũng cần theo dõi sức khỏe của mèo con thường xuyên để kịp thời phát hiện các vấn đề cần điều trị.

  8. Tạo một môi trường sống thoải mái cho mèo

    Đôi khi mèo cào cắn do bị lo lắng hoặc căng thẳng trước những thay đổi trong môi trường sống. Giải pháp khi đó là hãy thu xếp cho mèo một môi trường sống mới yên tĩnh, không bị phiền nhiễu hay quấy rầy để mèo cảm thấy được vỗ về, an ủi. Từ đó mèo sẽ thôi cào cắn tay chân bạn.

Các câu hỏi thường gặp

  1. Làm thế nào để mèo con ngừng cắn?

    Một số cách dạy mèo không cắn bao gồm huấn luyện mèo chơi với đồ chơi thay vì tay của bạn, dùng giọng nói để điều hướng hành động của mèo, lên lịch vui chơi với mèo, v.v.

  2. Ở độ tuổi nào mèo con sẽ ngừng cắn?

    Thông thường, mèo con cắn cào chủ thường xuyên khi chúng là “mèo một” trong nhà. Tuy nhiên, mèo con thường sẽ ngừng cắn khi đạt đến độ tuổi trưởng thành từ 6 đến 8 tháng tuổi.  

  3. Tại sao mèo con hay vồ lấy tay bạn và cắn?

    Khi chơi đùa “nhiệt tình” với mèo khác, mèo con thường cào cắn như một cách để thiết lập mối quan hệ tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Vì thế, mèo con cào cắn bạn cũng là cách thể hiện tình cảm yêu thương và sự gắn kết, tuy đôi lúc có phần hơi thái quá khiến bạn phải chịu đau. 

  4. Phải làm gì nếu bị mèo con cắn?

    Nếu vết cắn làm rách da, trước tiên bạn cần vệ sinh vùng da đó, sau đó cần tham khảo ý kiến ​​bác sĩ. Nếu mèo con của bạn chưa được tiêm phòng một số bệnh như bệnh dại, bạn sẽ cần được chăm sóc y tế ngay lập tức để ngăn ngừa nhiễm trùng tại vết cắn, hoặc nặng hơn là nhiễm trùng huyết. 

Whiskas product