Whiskas imagery

Tìm kiếm

Nhập từ khóa để tìm kiếm thông tin hoặc sản phẩm

Bệnh dị ứng mèo

Bất cứ ai yêu mèo đều muốn được ở bên và âu yếm người bạn nhỏ của mình cả ngày. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp người nuôi cảm thấy khó chịu sau khi tiếp xúc với mèo cưng hoặc gặp các triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mắt và ho kéo dài. Tình trạng này gọi là dị ứng mèo. Mặc dù các triệu chứng dị ứng thường không quá nghiêm trọng, nhưng bạn đừng vội bỏ qua bài viết này. Bởi nội dung bài viết sẽ cho bạn biết cách phát hiện dị ứng mèo, cũng như các cách phòng ngừa và điều trị dị ứng mèo. 

Cách phát hiện dị ứng mèo

Dị ứng mèo là tình trạng hoàn toàn có thật, và là nỗi tiếc nuối của những người nuôi mèo cũng như người yêu mèo. Trong trường hợp này, cần đặc biệt lưu ý để giữ gìn sức khỏe. Vậy làm thế nào để bạn biết mình bị dị ứng mèo và cách hết dị ứng mèo là gì?

Mèo luôn sản sinh ra protein có trong lông, da và nước bọt. Các protein này gây phản ứng dị ứng ở một số người. Các dấu hiệu dị ứng mèo phổ biến nhất là sổ mũi và chảy nước mắt, hắt hơi và ho sau khi vuốt ve hoặc chơi đùa cùng mèo. Trong những trường hợp dị ứng mèo hoặc dị ứng lông mèo nghiêm trọng, bạn cũng có thể cảm thấy khó thở hoặc nghẹn ở cổ họng, trường hợp này, cần tham khảo ý kiến ​​chuyên gia y tế.

Cách chẩn đoán chứng dị ứng mèo

Với người yêu mèo, việc phát hiện ra mình có khả năng bị dị ứng với mèo là tin cực xấu và ngay cả những dấu hiệu dị ứng nhỏ nhất cũng thường khiến người nuôi mèo lo lắng. Mặc dù đây là những lo ngại chính đáng, nhưng bạn đừng vội lo lắng cho đến khi có kết luận của chuyên gia y tế dựa trên các xét nghiệm phù hợp. Đôi khi bụi hoặc phấn hoa dính trên lớp lông mèo cũng gây ra các triệu chứng dị ứng. Trong những trường hợp này, tác nhân gây dị ứng là phấn hoa hoặc bụi chứ không phải là bé mèo yêu quý của bạn. 

Vì vậy, thay vì vội vàng tự chẩn đoán, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng và làm xét nghiệm dị ứng chó mèo. Ngoài việc đưa ra chẩn đoán chính xác, bác sĩ chuyên khoa dị ứng cũng có thể giúp xác định các biện pháp phòng ngừa và điều trị dị ứng mèo hiệu quả.

Xét nghiệm dị ứng chó mèo chích da là phương thức phổ biến và hiệu quả nhất để xác định dị ứng chó mèo ở người. Bác sĩ sẽ dùng kim vô trùng để tiêm một lượng nhỏ tác nhân gây dị ứng chó mèo vào da. Sau khi thực hiện xong, bác sĩ sẽ theo dõi vùng da xung quanh khu vực tiêm. Thông thường, kết quả sẽ có trong vòng 15 đến 20 phút và các phản ứng như mẩn đỏ hoặc sưng tấy có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị dị ứng chó mèo hoặc dị ứng với lông mèo. 

Nguyên nhân gây dị ứng mèo

Nguyên nhân gây dị ứng mèo là các tác nhân gây dị ứng hay các protein đặc thù được sản sinh tự nhiên trong cơ thể mèo có trên da, lông cũng như trong nước bọt của mèo. Khi tiếp xúc, các tác nhân gây dị ứng này có thể kích hoạt hệ miễn dịch ở người, dẫn đến phản ứng dị ứng. Mọi bé mèo đều sản sinh ra tác nhân gây dị ứng và mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng không phụ thuộc vào các yếu tố như độ dài bộ lông, giới tính hoặc khoảng thời gian mèo ở trong nhà.

Các triệu chứng dị ứng mèo

Tùy thuộc vào độ nhạy cảm của bạn với tác nhân gây dị ứng, mức độ nghiêm trọng của các phản ứng dị ứng có thể dao động từ nhẹ đến nặng. Người quá mẫn sẽ có phản ứng gần như ngay lập tức với tác nhân gây dị ứng còn với người bình thường, triệu chứng sẽ biểu hiện chậm hơn. Các dấu hiệu dị ứng mèo phổ biến nhất bao gồm:

  1. Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, sau đó hắt hơi kéo dài
  2. Đau vùng mặt do nghẹt mũi
  3. Khó thở, thở khò khè, ho và tức ngực
  4. Chảy nước mắt và mắt đỏ, kèm theo cảm giác ngứa
  5. Trường hợp nặng có thể nổi mề đay hoặc phát ban

Cách giảm nhẹ các triệu chứng

Mèo là người bạn luôn được nâng niu nhưng việc giữ sức khỏe của chúng ta vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. Mặc dù có thể điều trị hiệu quả các dấu hiệu dị ứng nhẹ, nhưng hiện tượng quá mẫn với mèo có thể khá khó chịu, khiến bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. 

Bạn cũng có thể tham khảo bác sĩ chuyên khoa dị ứng về các phương pháp điều trị dị ứng mèo hiệu quả và các biện pháp phòng ngừa khác. Các phương pháp điều trị dị ứng mèo thường được xác định dựa trên mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, chẳng hạn như thuốc kháng histamine đường uống và thuốc chống dị ứng mèo để trị ngứa và nghẹt họng, thuốc xịt mũi steroid trị nghẹt mũi và thuốc nhỏ mắt kháng histamine trị triệu chứng chảy nước mắt hoặc ngứa mắt. Nếu bạn mắc bệnh hô hấp cấp tính, bác sĩ chuyên khoa dị ứng cũng có thể đề xuất dùng corticosteroid dạng hít và thuốc giãn phế quản để điều trị tức ngực và khó thở. 

Ngoài các phương pháp trên, bạn cũng có thể xem xét liệu pháp miễn dịch, sử dụng các mũi tiêm phòng dị ứng mèo để cải thiện khả năng chịu đựng các tác nhân gây dị ứng ở mèo.

Yếu tố nguy cơ cần ghi nhớ

Liệu pháp miễn dịch và thuốc kháng histamine chống dị ứng không kê đơn cũng như các mũi tiêm ngừa dị ứng đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa dị ứng mèo, nhưng vẫn cần cân nhắc tất cả các biện pháp phòng ngừa triệu chứng khác. Bởi các triệu chứng dị ứng mèo tuy không gây tử vong nhưng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn dị ứng, dẫn đến những cơn ho và thở khò khè kéo dài. 

Phòng ngừa và điều trị chứng dị ứng mèo

Nếu bạn quá mẫn với mèo, thì cách phòng ngừa hiệu quả nhất là tránh hoàn toàn tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng ở mèo. Tiếc thay, điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải chia tay người bạn nhỏ của mình. Lúc này, bạn phải đảm bảo rằng bé mèo yêu quý sẽ nhận được thật nhiều tình yêu ở mái ấm mới.  

Tuy nhiên, nếu bạn chỉ dị ứng ở mức độ nhẹ, bạn có thể chỉ cần thực hiện thêm các cách hết dị ứng mèo là có thể yên tâm giữ người bạn bé nhỏ ở bên mình. Dưới đây là một số cách hết dị ứng mèo hiệu quả nhất:

  • Hạn chế cho mèo vào phòng ngủ có thể sẽ hiệu quả vì phương pháp này làm giảm nguy cơ các tác nhân gây dị ứng mèo xâm nhập vào phòng. Mặc dù đây không phải là biện pháp đảm bảo tuyệt đối nhưng có thể giúp bạn tránh phản ứng dị ứng.
  • Tránh vuốt ve, ôm hoặc hôn mèo; nhưng nếu không thể kiềm chế được, nhớ rửa tay bằng xà phòng sau mỗi lần tiếp xúc.
  • Máy lọc không khí hiệu suất cao (HEPA) có thể làm giảm đáng kể nồng độ tác nhân gây dị ứng trong nhà và giúp ngăn ngừa dị ứng mèo.
  • Bạn cũng có thể sử dụng máy hút bụi trung tâm hoặc máy hút bụi hiệu suất cao thay vì bộ lọc HEPA để giảm nồng độ tác nhân gây dị ứng trong nhà.
  • Cho dù bé mèo của bạn có ưa nước hay không, bạn vẫn phải tắm cho mèo ít nhất mỗi tuần một lần để đảm bảo vệ sinh và loại bỏ tác nhân gây dị ứng có trên lông mèo.

Các câu hỏi thường gặp

  1. Cách nhận biết chứng dị ứng mèo?

    Dị ứng mèo có thể biểu hiện qua các triệu chứng như chảy nước mắt và ngứa mắt, chảy nước mũi, ho, thở khò khè và tức ngực. Tuy nhiên, việc chẩn đoán dị ứng mèo cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa dị ứng thông qua xét nghiệm dị ứng mèo chích da bằng các mũi tiêm chứa tác nhân gây dị ứng mèo.

  2. Nếu bị dị ứng, bạn có thể nuôi mèo không?

    Nếu bị dị ứng nhẹ, bạn vẫn có thể sống chung với mèo mà không gặp mấy khó khăn miễn là đảm bảo có biện pháp phòng ngừa cần thiết như hạn chế cho mèo vào phòng ngủ, lắp đặt máy lọc HEPA và tắm cho mèo thường xuyên. 

  3. Làm thế nào để hết dị ứng mèo?

    Không có cách nào đảm bảo chữa khỏi hoàn toàn tình trạng dị ứng mèo. Bạn có thể xem xét dùng thuốc kháng histamine và thuốc xịt dị ứng mèo không kê đơn để giảm triệu chứng. Ngoài ra, liệu pháp miễn dịch bằng các mũi tiêm tác nhân gây dị ứng cũng có thể có tác dụng tăng cường khả năng chịu đựng các tác nhân gây dị ứng từ mèo.

  4. Dị ứng mèo nghiêm trọng đến mức nào?

    Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng dị ứng mèo thường phụ thuộc vào độ nhạy cảm và khả năng chịu đựng của từng người. Dị ứng mèo thường gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến vừa, biểu hiện dần theo thời gian nhưng người quá mẫn có thể gặp phải phản ứng nghiêm trọng gần như ngay lập tức.

Whiskas product